Lời nói đầu
Đây là bản dịch của cuốn sách “How To Become A Hacker” của Eric Steven Raymond. Theo tôi, hacker và hacking không có biên giới.
Chắc các bạn cũng đã nghe không ít các bài viết như “Hacker là gì“, “Làm thế nào để thành hacker“, “học bảo mật cần học gì“, “hacking bắt đầu từ đâu“. Trong bài viết này, tôi sẽ phân tích 1 số khía cạnh từ “làn gió mới” mà Raymond đem lại, thứ mà chưa từng được nhắc tới trong các tài liệu trước đây.
Cá nhân tôi cho rằng Raymond có một cái nhìn cực đoan thể hiện qua những điều anh ta định nghĩa và phân tích về Hacker. Có nhiều điểm anh ta cố tình hay vô ý, càng về sau, càng đưa tính chất hacking hướng về việc đóng góp và phát triển cộng đồng mở nguồn và đây là một cái nhìn theo tôi là thiên vị.
Tuy vậy, Raymond đã đưa ra những điểm giá trị về cái gọi là “thái độ” và khả năng tư duy một hacker. Những điểm bàn về “phong cách” và thói quen của hacker là những điểm lý thú.
Theo tôi, hacker và hacking không có biên giới rõ ràng, về hệ điều hành, về software, về môi trường… Hacking là việc thay đổi tính chất và khả năng làm việc của một sự thể và “sự thể” này không có giới hạn (Microsoft, Linux, BSD, Solaris…).
Nó cũng không nhất thiết phải là những đóng góp cho cộng đồng mã nguồn mở. Bất cứ nơi đâu, hacking để giải quyết trở ngại, để cải thiện công việc, để nâng cao chất lượng… đều là hacking. Rất mong bạn đọc với cái nhìn tỉnh táo.
I. Thái độ của Hacker
Hacker giải quyết trở ngại và xây dựng vật thể, và họ tin tưởng ở tự do và tự nguyện chia xẻ, giúp đỡ lẫn nhau. Để được tiếp nhận như một hacker, bạn phải tự trọng như thể chính bạn có thái độ này. Và để tự trọng như thể bạn có thái độ ấy, bạn phải thật sự tin vào thái độ ấy.
1. Thế giới đầy những trở ngại kỳ lạ đang chờ được giải quyết.
Làm một hacker có nhiều điều vui, nhưng những điều vui này đòi hỏi rất nhiều cố gắng. Cố gắng tạo động lực. Các vận động viên tìm thấy động lực từ những điểm thú vị trong việc khiến cho cơ thể của họ hoạt động, trong việc tự đẩy họ vượt qua chính giới hạn thể lực hiện có. Tương tự, để làm một hacker bạn cần bắt lấy những niềm thích thú nho nhỏ từ việc giải quyết được những trở ngại, tinh luyện khả năng và thực tập trí thông minh của mình.
Nếu bạn không phải là dạng người có cảm nhận những chuyện này một cách tự nhiên, bạn sẽ cần biến mình thành một người như thế thì mới có thể trở thành hacker. Nếu không, bạn sẽ thấy năng lượng hacking của mình bị những thứ dễ làm chi phối như tình ái, tiền bạc và danh tiếng…. cắn xé tơi bời.
2. Không có trở ngại nào nên được giải quyết hai lần
Những khối óc sáng tạo là những thứ quý báu, có giới hạn. Chúng không nên bị phí phạm trong việc tái tạo những thứ đã có sẵn trong lúc có quá nhiều trở ngại lạ kỳ đang đợi được giải quyết ngoài kia.
Để có thái độ như một hacker, bạn cần tin rằng thời gian suy gẫm của các hacker khác là những thứ quý giá – quý giá đến nỗi, đối với bạn nó trở thành trách nhiệm đạo đức để phải chia sẻ thông tin, giải quyết trở ngại và sau đó chia sẻ giải pháp để giúp các hacker khác thay vì họ phải thường xuyên tái xét những trở ngại đã được giải quyết.
Tuy vậy, nên nhớ là câu “không có trở ngại nào nên được giải quyết hai lần” không ẩn dụ rằng mọi giải pháp hiện có đều quý giá, hoặc chỉ có một giải pháp đúng đắn cho một trở ngại. Thông thường, chúng ta nghiên cứu một trở ngại nào đó chưa từng đối diện trước đây bằng cách hình thành một giải pháp tức thời. Điều này không có gì sai và thường là cần thiết để giúp quyết định một cách tốt hơn. Điều không hay nằm ở chỗ trở ngại thuộc giới hạn kỹ thuật trá hình, pháp luật hoặc các hàng rào cản như mã nguồn đóng, làm ngăn cản giải pháp tốt được tái dụng và buộc mọi người phải tái tạo lại những thứ đã có sẵn.
3. Chán nản và đơn điệu là ám chướng
Hacker không nên bị cảm thấy chán nản hoặc đơn điệu trong khi làm những việc mang tính lặp đi, lặp lại một cách ngu xuẩn, bởi vì khi cảm giác này xảy ra có nghĩa họ không làm những điều họ muốn làm để giải quyết trở ngại. Sự lãng phí này hủy hoại mọi người. Bởi thế, chán nản và đơn điệu không chỉ không thú vị mà còn là ám chướng.
Để có thái độ như một hacker, bạn cần tin vào điều này, đủ để tự động hoá những công việc nhàm chán càng nhiều càng tốt, không chỉ cho riêng bạn mà cho mọi người, đặc biệt cho những hackers khác.
4. Tự do là điều tốt
Hackers có bản tính tự nhiên là những người “chống quyền lực”. Bất cứ ai có thể ra lệnh cho bạn đều có thể ngăn đam mê của bạn, và bộ não của những kẻ có quyền lực thường nảy ra những lý do ngu xuẩn và buồn nôn để ngăn trở bạn. Thế nên, thái độ của kẻ cầm quyền cần được công kích bất cứ nơi nào bạn thấy, hãy làm cho nó tan biến khỏi bạn và những hacker khác.
Đây không phải như chống đối luật pháp. Trẻ con cần được uốn nắn và tội phạm cần được kiểm soát. Một hacker có thể đồng ý một thể dạng luật pháp để đổi lấy cái gì đó anh ta muốn thay vì thúc thủ tuân lệnh. Nhưng đây là chuyện có giới hạn, mặc cả tỉnh táo, một dạng chấp nhận trao đổi chính thức giữa kẻ quyền lực và bạn.
Những kẻ quyền lực thích bồi đắp khả năng ngăn cản và tính bí mật. Và thế, họ không tin vào thái độ tự nguyện hợp tác và tự nguyện chia sẻ thông tin, họ chỉ muốn “hợp tác” theo kiểu họ khống chế. Bởi thế, để có thái độ như một hacker, bạn cần phát triển phản xạ chống trả đối với thái độ ngăn cản, thái độ bí hiểm bằng vũ lực hoặc ép buộc. Bạn cần có ý chí để làm chuyện này.
5. Thái độ không thay thế thực chất khả năng
Bạn cần hoài nghi “dáng điệu” và thật sự tôn trọng khả năng thực chất. Hacker không để cho những kẻ “làm màu” lãng phí thời gian của họ, ngược lại họ thường nể phục khả năng thực sự. Khả năng cho những nhu cầu ích lợi, mà không hiếm người đạt được là điều rất tốt, và nó đòi hỏi sự minh mẫn của trí tuệ, khéo léo và độ tập trung tốt nhất.
Nếu bạn đã có sẵn thực chất khả năng, bạn sẽ phát triển nó một cách thích thú – chăm chỉ và chuyên cần sẽ tạo nên trạng thái cân bằng và sẽ không có chỗ cho sự uể oải. Thái độ này là điểm quan trọng để trở thành một hacker.
II. Vị thế trong xã hội của Hacker
Tương tự như hầu hết các dạng xã hội không dùng tiền nong làm tiêu chuẩn, hacker hoạt động dựa trên uy tín. Bạn đang cố giải quyết một số trở ngại lý thú, nhưng chúng thật sự thế nào, và liệu những giải pháp của bạn thật sự tốt, có cái gì để chỉ có những người đồng đẳng kỹ thuật với bạn hoặc những người ở mức cao hơn mới có thể đủ sức đánh giá những giải pháp này?
Theo đó, khi bạn chơi trò chơi hacker, bạn học cách ghi bàn chủ yếu dựa trên cách mà các hackers khác nghĩ thế nào về kỹ năng của bạn (đây là lý do tại sao “bạn không thực sự là một hacker cho đến khi khác hacker khác thường xuyên gọi bạn là một hacker“).
Sự thật này trước đây bị lu mờ bởi hình ảnh hacking như một hoạt động đơn độc, và cũng bởi trong thâm tâm các hacker chống lại những quan điểm cho rằng động cơ làm việc là niềm kiêu hãnh hoặc sự công nhận từ bên ngoài, quan điểm này đã dần dần đã bị suy thoái từ những năm cuối thập niên 1990 nhưng vẫn còn ảnh hưởng ít nhiều.
Có năm điều căn bản bạn có thể làm để được các hackers khác kính trọng:
1. Viết chương trình mã nguồn mở
Điều đầu tiên, cốt tủy và truyền thống nhất là viết những chương trình khiến những hacker khác thấy vui và hữu dụng, và hiến tặng mã nguồn của chương trình cho cả cộng đồng hacker sử dụng. Trước đây mọi người gọi nó là “Free Software“, nhưng từ này làm nhiều người lầm lẫn và không xác định rõ “Free” là thế nào. Hầu hết bây giờ chúng ta dùng cụm từ “Open Source Software“.
Những đại cao thủ trong thế giới hacker là những người đã viết các chương trình to lớn, có khả năng đáp ứng những nhu cầu rộng lớn và hiến tặng chúng để mọi người có thể dùng. Hiện nay, các hacker tìm trong cộng đồng phát triển mã nguồn mở để chọn ra những người “chiến” nhất, nhưng trước bán thập niên 1990, hầu hết các hackers làm việc với mã nguồn đóng.
2. Giúp kiểm thử và tìm lỗi mã nguồn mở
Những hacker cũng đóng góp trong việc tìm lỗi cho software mã nguồn mở. Trong thế giới thiếu hoàn hảo này, chúng ta không tránh khỏi việc phải mất hầu hết thời gian trong phân đoạn tìm lỗi của cả một quá trình phát triển software.
Đó là lý do tại sao bất cứ một tác giả của phần mềm mở nguồn nào có suy nghĩ thường cho bạn biết rằng những người thử nghiệm đều xứng đáng hưởng đóng góp của họ ngang với số lượng hồng ngọc. Ngay cả ai đó có thể giúp thay đổi trong phân đoạn tìm lỗi, một phân đoạn mất thời gian và mệt nhọc thay vì kéo lê, chẳng đi tới đâu cũng đáng ca ngợi.
Nếu bạn là một newbie, thử tìm một chương trình đang được phát triển mà bạn thích và làm một người thử nghiệm xem sao. Có một sự biến thiên từ việc giúp thử nghiệm chương trình đến tìm lỗi chương trình và điều chỉnh chúng. Bạn sẽ học rất nhiều theo cách này và “tích đức” cho những người có thể họ sẽ giúp bạn về sau.
3. Phổ biến thông tin hữu ích
Một cách rất hay là sưu tập và chọn lọc những thông tin hữu ích và lý thú để tạo các trang web hoặc các tài liệu như “Những câu hỏi thường gặp” (FAQ) và phổ biến chúng một cách rộng rãi.
Những người bảo trì các FAQ kỹ thuật quan trọng được nể trọng như những tác giả tạo mã nguồn mở.
4. Giúp duy trì cơ sở hạ tầng
Xã hội hacker được các tình nguyện viên điều hoạt. Có rất nhiều công việc cần thiết nhưng không “xôm tụ” cần được gánh vác để xã hội này tiếp tục hoạt động – quản lý mailing lists, điều hợp newsgroups, duy trì các site software lưu trữ, phát triển RFC -23- và các tiêu chuẩn kỹ thuật khác.
Những người làm các loại việc này rất được nể trọng bởi vì mọi người biết rằng loại công việc này ngốn không biết bao nhiêu là thời gian và không lý thú như việc táy máy với mã nguồn. Làm những việc này chứng tỏ sự đóng góp lớn lao.
5. Phục vụ chính văn hoá hacker
Văn hoá hacker không có các vị lãnh tụ, nói một cách chính xác, nhưng nó vẫn có những vị anh hùng và những “già làng”, những sử gia và những phát ngôn viên. Một khi bạn ở trong “bộ lạc” đủ lâu, bạn có thể trở thành một trong những người như thế.
Coi chừng, hacker không tiếp nhận dạng người tự phụ, trơ trẽn trà trộn trong nhóm “già làng” của họ, bởi thế, thấp thoáng với tới “danh phận” này có phần nguy hiểm. Thay vì phấn đấu để được lấy nó, bạn nên an nhiên, khiêm tốn và hài lòng với chính vị trí của mình.
III. Những điểm phong cách
Một lần nữa, để làm một hacker, bạn cần đi vào tâm thức của hacker. Có một số điều hữu ích bạn có thể làm ngay cả khi bạn không động đến máy tính. Những điều này không dùng để thay thế cho hacking (chẳng có gì thay thế cho hacking cả) nhưng nhiều hacker làm những điều này vì họ cảm thấy họ có thể kết nối đến cốt lõi của hacking.
Làm việc hết lòng cũng như giải trí và giải trí hết lòng cũng như làm việc. Đối với hackers, biên giới của “chơi”, “làm”, “khoa học” và “nghệ thuật” có xu hướng biến mất, hoặc gộp lại thành một lối chơi có mức sáng tạo cao độ. Cũng như thế, đừng tự hài lòng với chuỗi kỹ năng hạn hẹp. Dù rằng hầu hết hackers đều tự xếp loại mình là lập trình viên, họ thường có khả năng trong nhiều lãnh vực khác nhau – quản lý hệ thống, thiết kế web, và sửa chữa máy tính thường là những kỹ năng thường gặp.
Một hacker đóng vai trò là một nhân viên quản lý hệ thống thường rất giỏi với kỹ năng lập trình ở dạng script và thiết kế web. Hackers không làm chuyện gì nửa vời cả; nếu họ đầu tư vào một kỹ năng, họ thường có xu hướng trở nên rất xuất sắc với kỹ năng ấy.
1. Thành thạo tiếng mẹ đẻ
Học cách viết và sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình một cách nhuần nhuyễn. Dẫu thiên hạ thường nghĩ rằng dân lập trình không có khả năng viết lách, nhưng một con số đáng ngạc nhiên về các hacker lại rất có khả năng viết lách.
2. Tìm hiểu khoa học viễn tưởng
Đọc truyện khoa học giả tưởng. Đi dự các buổi hội thảo về khoa học giả tưởng (một cách rất tốt để gặp gỡ các hacker và hacker cố cựu).
3. Rèn luyện võ thuật
Rèn luyện một môn võ thuật. Thứ kỷ luật đòi hỏi cho võ thuật khá tương đồng với những thứ hacker hoạt động. Dạng võ thuật được ưa chuộng nhất của các hacker có lẽ là Không Thủ Đạo của Á Châu như Tae Kwon Do, các dạng Karate, Kung Fu, Aikido hoặc Ju Jitsu.
Các môn kiếm thuật Tây phương và Á Châu cũng có tác dụng tương tự. Ở những nơi cho phép, bắn súng cũng là môn thể thao phổ biến từ những năm cuối thập niên 90. Võ thuật đúng tinh thần hacker là để nhấn mạnh kỷ luật tinh thần, tạo thư giãn và chủ động hơn là để rèn luyện sức mạnh thô hào, thúc đẩy năng lực thể chất cao độ.
4. Tập thiền
Nghiên cứu một nhánh thiền. Một sinh hoạt được ưa thích trong đám hacker là môn Thiền. Những môn khác ở dạng tương tự cũng có thể có tác dụng nhưng hãy cẩn thận mà chọn lựa một môn không đòi hỏi bạn tin vào những điều điên khùng.
5. Nghe nhạc
Bồi dưỡng cho mình một lỗ tai có khả năng phân tích âm nhạc. Học cách thưởng thức tính đặc thù của âm nhạc. Học cách chơi một nhạc cụ nào đó hoặc học cách hát.
6. Chơi chữ
Bồi dưỡng cho mình khả năng chơi chữ và dùng chữ.
7. Điều không nên làm
- Đừng dùng một cái tên (nickname) hào nhoáng và vô nghĩa.
- Đừng dính vào những trận khẩu chiến trên Usenet (hoặc bất cứ nơi đâu).
- Đừng tự gọi mình là du đãng mạng (cyberpunk), và đừng phí thời gian với những kẻ tự xưng như thế.
- Đừng gửi bài hoặc email đầy những lỗi chính tả và lỗi văn phạm.
IV. Câu hỏi thường gặp
1. Làm sao tôi biết được tôi có phải là một hacker hay không?
Tự hỏi ba câu sau:
- Bạn có nói ngôn ngữ code nhuần nhuyễn không?
- Bạn có xác định mục tiêu và giá trị của cộng đồng hacker chưa?
- Đã bao giờ bạn được một thành viên của một cộng đồng hacker có uy tín gọi bạn là hacker chưa?
Nếu bạn có thể trả lời vâng cho “cả ba” câu trên, bạn đã là một hacker. Nếu chỉ hai câu cũng chưa đủ.
Trắc nghiệm đầu dành cho kỹ năng của bạn. Có thể bạn đạt được câu này nếu bạn có tối thiểu khả năng kỹ thuật được mô tả ở phần đầu của tài liệu. Bạn sẽ đi xuyên suốt phần thử nghiệm này nếu bạn đã có một khối lượng mã nguồn đã được một công trình mở nguồn nào đó tiếp nhận.
Trắc nghiệm thứ hai dành cho thái độ. Nếu năm điểm nền tảng tư duy của một hacker có vẻ hiển nhiên đối với bạn, gần với cách bạn đã sống chớ chẳng phải là chuyện gì xa vời thì bạn đã vượt quá nửa chặng đường. Đó là nửa phần hướng nội, phần còn lại, phần hướng ngoại là mức độ bạn được một cộng đồng hacker có những chương trình làm việc lâu dài công nhận.
Đây là danh sách chưa hoàn chỉnh, chỉ mang tính tượng trưng của một số chương trình làm việc: Bạn có quan tâm hay không nếu Linux cải thiện và mở rộng? Bạn có nhiệt thành với tính tự do của software? Bạn có căng thẳng với những biểu hiện độc quyền? Bạn có làm việc dựa trên căn bản máy tính có thể làm công cụ để biến thế giới trở nên một nơi giàu có và nhân bản hơn?
Trắc nghiệm thứ ba có một phần gay go với tính tái diễn trong đó. Hacker là một phần thuộc về một thứ văn hoá ngầm nào đó hoặc một mạng lưới xã hội có chung lịch sử, một nội diện và một ngoại diện. Trong quá khứ, hacker kém liên kết và thức tỉnh như ngày nay. Nhưng điểm quan trọng là khía cạnh mạng lưới xã hội đã gia tăng đáng kể sau hơn ba mươi năm và Internet đã tạo ra những kết nối với phần lõi của văn hoá ngầm hacker một cách dễ dàng hơn để phát triển và duy trì.
2. Ông dạy tôi cách hack được không?
Từ lúc đăng bài này lên, tôi nhận được đa số yêu cầu từ mọi người để “dạy tôi về hacking“. Thật không may, tôi chẳng có thời gian và năng lực để làm chuyện này, các công trình hack của riêng tôi và làm việc ở vị thế một người open-source, chiếm hết 110% thời gian của tôi.
Ngay cả tôi có dạy được đi chăng nữa, hacking là một thứ thái độ và kỹ năng mà bạn phải tự dạy lấy chính mình. Bạn sẽ thấy rằng những hacker thứ thiệt sẵn sàng giúp bạn nhưng họ sẽ không tôn trọng bạn nếu như bạn đòi hỏi họ “đút cho ăn”.
Học vài điều trước đã. Cho họ thấy bạn đang cố gắng, bạn có khả năng tự học. Rồi sau đó mới đến gặp hackers với những câu hỏi cụ thể.
Nếu bạn gửi mail đến một hacker để được khuyên nhủ, đây là hai điều bạn cần biết trước. Thứ nhất, nên cẩn thận với từ vựng và dùng văn phạm câu cú cho tốt, nếu không bạn sẽ bị làm ngơ. Điều thứ hai, đừng có mà dám đòi hỏi hồi âm đến một email khác với email bạn gửi tới, chúng tôi thấy những ai làm chuyện này thường là những kẻ trộm, và chúng tôi chẳng thích trợ giúp thói ăn cắp.
3. Vấn đề về học hack?
Vậy tôi nên bắt đầu thế nào?
Cách tốt nhất để bạn bắt đầu là đi đến một cuộc họp của LUG (Linux user group). Bạn có thể tìm thấy các nhóm này ở http://www.tldp.org/links/index.html. Hẳn có một nhóm gần bạn, có thể nhóm này có liên hệ với một trường cao đẳng hoặc trường đại học. Các thành viên LUG có lẽ sẽ cho bạn một bản Linux nếu bạn yêu cầu, và chắc chắn sẽ giúp bạn cài đặt và bắt đầu.
Có quá muộn để học không?
Bất cứ tuổi nào bạn muốn bắt đầu thì tuổi ấy thì hợp. Hầu hết mọi người thường quan tâm ở lứa 15 – 20, nhưng tôi biết có nhiều trường hợp ngoại lệ cho cả hai phía.
Tôi sẽ mất bao lâu để học hack?
Thời gian tùy thuộc ở bạn tài năng và chịu khó thế nào. Hầu hết mọi người có thể đạt được một mớ kỹ năng đáng nể trong vòng 18 cho đến 25 tháng nếu họ chịu khó tập trung. Nhưng đừng nghĩ rằng nó chấm dứt ở đó. Nếu bạn là hacker thứ thiệt, bạn sẽ mất suốt đời để học và hoàn thiện thành quả của bạn.
Liệu tôi hacker có cần giỏi toán không?
Không. Hacking dùng rất ít loại toán học hoặc số học thuần túy. Một cách cụ thể hơn, bạn sẽ hiếm khi cần đến các tam giác thức, tích phân hoặc khả năng lý giải toán (có một số ngoại lệ cho một số ứng dụng liên quan đến lãnh vực kỹ thuật ảnh không gian 3 chiều). Nắm được các logic và đại số Boolean thì tốt. Một số toán rời rạc (bao gồm lý thuyết tập hợp hữu hạn, thuật tổng hợp và đồ thị) có thể sẽ hữu dụng.
Điều quan trọng hơn hết là bạn cần có khả năng suy nghĩ một cách logic và khai triển những chuỗi lý lẽ chính xác theo cách toán học. Nội dung toán học sẽ không trực tiếp giúp bạn nhưng bạn sẽ cần kỷ luật và trí tuệ toán học để ứng dụng trong hacking. Nếu bạn thiếu trí tuệ, bạn sẽ khó hy vọng thành hacker; nếu bạn thiếu kỷ luật, bạn nên bồi dưỡng phần này.
Tôi có thể trò chuyện với các hacker ở đâu?
Cách tốt nhất là tìm một nhóm người dùng Unix hay Linux ở địa phương của bạn và đến dự các buổi họp mặt của họ (bạn có thể tìm vô số đường dẫn đến các nhóm người dùng trên http://www.tldp.org/ ở ibilio).
4. Yêu cầu giúp đỡ?
Ông có thể giúp tôi crack một hệ thống hay dạy tôi cách làm không?
Không. Bất cứ ai vẫn có thể hỏi một câu như thế sau khi đọc cái FAQ này thì kẻ ấy quá ngu độn để có thể được dạy dỗ, ngay cả tôi có thời gian để dạy dỗ. Bất cứ email nào gởi đến để hỏi những câu như thế này tôi sẽ làm ngơ hoặc trả lời với nội dung cực kỳ nặng nề.
Làm sao tôi có thể lấy được password của account nào đó?
Cái này là cracking. Biến đi, đồ ngốc.
Làm cách nào tôi có thể xâm nhập, đọc, theo dõi email của ai đó?
Cái này là cracking. Cút xéo, đồ đần.
Làm sao tôi chiếm được quyền admin của một IRC?
Cái này là cracking. Đi cho khuất mắt, thằng ngu.
Tôi bị crack. Ông có thể giúp tôi ngăn chặn không?
Không. Mỗi khi ai hỏi tôi câu này, hầu như đó là câu hỏi của một kẻ khốn khổ đang dùng Microsoft Windows. Khó có thể bảo mật tuyệt đối Windows để khỏi bị tấn công; mớ mã nguồn và thiết kế có quá nhiều lỗ hổng, điều này khiến cho việc bảo mật Windows giống như thả trôi chiếc thuyền trong vùng bị chắn. Chỉ có một cách duy nhất và đáng tin cậy là bắt đầu chuyển sang Linux hoặc một hệ điều hành nào khác ít nhất được thế kế có khả năng bảo mật.
Tôi bị sự cố với các chương trình chạy trên Windows. Ông giúp được không?
Vâng. Vào khung DOS và gõ “format c:”. Bất cứ trở ngại nào bạn đang gặp đều sẽ biến mất trong vài phút.
Trích: Juno Okyo – Leader cộng đồng J2Team